Coca Coca bị phạt 400 triệu có đúng luật?
Coca-Cola Việt Nam bị xử phạt 433 triệu đồng vì những hành vi vi phạm nào?
Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải, Chiều 28/7, ông Nguyễn Văn Nhiên – Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, thực hiện Quyết định của Chánh Thanh tra Bộ Y tế, từ ngày 21/6/2016 Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam.
Qua thanh tra, Đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã phát hiện Công ty này có một số vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo đó, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam với tổng số tiền phạt trên 433 triệu đồng.
Xử phạt theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì các hành vi mà Thanh tra Bộ Y Tế chỉ ra của công ty Coca-Cola Việt Nam vi phạm bao gồm: Sản xuất thực phẩm bổ sung không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 điều 24 Nghị định này, xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của cấp tỉnh trở lên theo một trong các mức sau đây:
“c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết thời hạn trên 03 tháng;”
Như vậy với 3 cơ sở vi phạm, tổng mức phạt tối đa là 45.000.000 đồng theo quy định. Mặt khác, theo nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong Luật xử lý vi phạm hành chính và cụ thể tại khoản 3 điều 4 Nghị định 178/2013/NĐ-CP cũng quy định: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.” Như vậy đối với hành vi này, Coca-Cola bị xử phạt đến 90.000.000 đồng.
Ngoài ra doanh nghiệp này đã bán 01 lô sản phẩm thực phẩm bổ sung nước tăng lực Samurai hương dâu; NSX: 24/05/2016; HSD: 24/05/2017 có hàm lượng vitamin B9 (Acid Folic) thấp hơn công bố. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã bán không thu hồi được được lên tới gần 234 triệu đồng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 178/2013/NĐ-CP thì phạt tiền đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, bán ra thị trường thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm theo một trong các mức sau đây:
“g) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị từ trên 160.000.000 đồng đến 320.000.000 đồng;” Như vậy đối với tổ chức có thể bị xử phạt theo mức gấp đôi tức là từ 320.000.000 đồng đến 640.000.000 đồng.
Cộng với mức tối đa của xử phạt hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định là 90.000.000 đồng thì tổng mức phạt 433.000.000 đồng mà Thanh tra Bộ y tế áp dụng đối với Coca-Cola Việt Nam là phù hợp và chưa phải ở mức cao nhất của khung phạt.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện
ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN
Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!