Tranh cãi xử lý hình sự về việc công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả?

Tranh cãi xử lý hình sự về việc công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả?

Việc chưa khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả của công ty Thuận Phong đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.

Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:

Như thông tin báo chí đã đăng tải, Ngày 24.4.2015, tổ công tác của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của Công ty Thuận Phong tại địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa (khu vực K888) và bắt quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ  “Made in USA” của Công ty Thuận Phong.Ngay sau khi phát hiện vụ việc, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho nhà máy của Công ty Thuận Phong, phát hiện khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai gồm 3.224 chai ghi xuất xứ “Made in USA” cùng hàng trăm kg nhãn mác, tem giả xuất xứ khác cùng hành vi tiêu huỷ hàng chục kg nhãn giả.

công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả
công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả

Theo kết quả điều tra, Công ty Thuận Phong đã sử dụng thủ đoạn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài (năm 2014 nhập khẩu nguyên liệu trị giá hơn 17,5 tỷ đồng), sau đó đóng chai, in nhãn mác giả xuất xứ hàng hóa và tiêu thụ ra thị trường. Tuy vậy, ngày 15.4.2016, đại tá Lê Văn Hùng – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Đồng Nai) đã ký Quyết định 23/PC46 về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong.

Xác định chính xác có phải là hàng hóa giả mạo

Mâu thuẫn hiện nay của vụ việc đối với lô hàng của công ty Thuận Phong là việc Công an tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Hành vi “sang chiết từ bồn nhựa có dung tích 1.000 lít và loại chai 1 lít, đóng chai, dán nhãn chính bằng tiếng Anh, tem phụ tiếng Việt Nam” vào sản phẩm phân bón nhập khẩu của Công ty Thuận Phong khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không vi phạm điểm a khoản 4, Điều 8, Nghị định 185/2013, tức là không phải hành vi kinh doanh hàng hóa có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định bởi giải thích theo Điều 22, Nghị định số 202 ngày 27.11.2013 của Chính phủ về quản lý phân bón cho phép tổ chức có 02 năm để hoàn thiện các điều kiện. Trong khi văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ tư Pháp, Bộ khoa học và công nghệ thì nhận định việc không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định xử phạt hành chính của CA Đồng Nai là nóng vội và xác định sai về tính chất của hàng hóa mà công ty Thuận Phong đã sản xuất. Dựa vào thông tin có thể xác định lô hàng phân bón mà công ty Thuận Phong đã sản xuất là hàng giả. Bởi vì:

Căn cứ theo quy định tại Điều 22, Nghị định 202/2013/NĐ-CP: “Trong vòng 02 (hai) năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh quy định tại Nghị định này phải bổ sung đủ điều kiện.” Như vậy quy định này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón hợp pháp theo các điều kiện được quy định tại các văn bản trước khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP có hiệu lực. Trên thực tế công ty Thuận Phong thực hiện hành vi sản xuất đối với lô hàng có nhãn hiệu “Made in USA” hoàn toàn không hợp pháp, nên không thể xem là chưa đủ điều kiện để được áp dụng điều 22 Nghị định 202/2013/NĐ-CP, cách giải thích của CA Đồng Nai là không phù hợp.

Quy định về hàng giả, căn cứ điểm b, d, đ,e Khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP) thì hàng giả là:

  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Ở đây tính theo “hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng”.
  • Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Căn cứ thông báo kết quả giám định 0113/N3.15/TĐ, cho thấy tất cả 19/29 mẫu có kết quả không phù hợp với đăng ký chất chính, chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Theo công văn 3645/BKHCN-TĐC của bộ KHCN về việc xác định: “Chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân khác, ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa như vậy xác định đây là hàng giả và cần xác định chính xác hậu quả.” Như vậy đây là hàng giả.

Cần sớm khởi tố vụ án hình sự

Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi 2009) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Thì : “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.”

Như vậy để xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất hàng giả của công ty Thuận Phong, trước hết cần làm rõ giá trị của số lượng hàng hóa đã được làm giả. Bởi theo quy định, nếu sản xuất, buôn bán “hàng giả có số lượng lớn” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” thì có thể truy cứu trách nhiệm cá nhân và xử lý hình sự. Căn cứ vào hồ sơ, đến ngày 24.4.2015 (thời điểm phát hiện vi phạm), Công ty Thuận Phong đã sang chiết bán tổng cộng 26.942 lít, thu được 2.349.091.510 đồng. Nếu giá trị này được làm rõ là đúng thì thuộc trường hợp: “Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn” tại điểm b khoản 3 điều 158 BLHS 1999, trường hợp này bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.

An Nguyên

Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện

Khi cần thuê luật sư vui lòng liên hệ với hãng luật Giải Phóng qua email [email protected] hoặc gọi đường dây nóng luật sư qua số 0963 113 113.

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo