Bình luận BLHS 2015 (P2): Tội mua bán,chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

Bình luận BLHS 2015 (P2): Tội mua bán,chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người

Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại. Trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, đã có rất nhiều những vụ việc xâm hại tính mạng, sức khỏe của người khác bằng nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm mục đích chiếm đoạt nội tạng, bộ phận cơ thể. Đối tượng thực hiện hành vi có thể xuất phát từ nhiều mục đích nhưng đa phần là vì lợi ích vật chất, tiền bạc.

bo-luat-hinh-su-2015

BLHS 1999 không quy định mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một tội danh mà chỉ xử lý tương ứng về các hành vi xâm hại đến tính mạng và sức khỏe của người khác trong các tội phạm như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác…

Về chủ thể thực hiện tội phạm: Chủ thể thực hiện tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người không phải là chủ thể đặc biệt. Bởi vậy người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại khoản 2 điều 12 BLHS 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Như vậy người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người.

Về khách thể của tội phạm: Khách thể chính của tội phạm này là sức khỏe và tính mạng của người khác bởi được xếp vào nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm con người trong Bộ luật hình sự 2015. Trực tiếp ở đây là mô và bộ phận cơ thể của người. “Mô” dưới góc độ khoa học được hiểu là một tập hợp gồm các tế bào chuyên hóa có cấu tạo giống nhau, đảm nhận chức năng nhất định. “Bộ phận cơ thể người” là sự tổng hợp của nhiều yếu tố trên cơ thể người bao gồm các phần cơ thể, hay còn gọi là các khoang cơ thể, các cơ quan khác trong hệ cơ quan của con người. Đấy là những bộ phận không thể tách rời với cơ thể người nếu không xảy ra các yếu tố tác động từ bệnh lý hoặc ngoại lực.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Người thực hiện hành vi phải có lỗi cố ý khi mua bán,chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người. Tội phạm này không thể hiện dưới lỗi vô ý bởi bản chất của hành vi mua bán hoặc chiếm đoạt đã thể hiện rõ ý thức của người thực hiện hành vi.

Về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là hành vi chính, bao gồm mua bán hoặc chiếm đoạt hoặc vừa chiếm đoạt vừa mua bán đều bị xử lý về tội này. Bản chất của hành vi mua bán không trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân mà hoàn toàn dựa vào mục đích lợi nhuận và đối tượng của hành vi mua bán đó là mô hoặc bộ phận cơ thể người. Bản chất của hành vi chiếm đoạt thì có thể trực tiếp tác động lên cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt, chiếm đoạt từ người khác và không phải mọi trường hợp chiếm đoạt đều vì mục đích lợi nhuận. Cần tách bạch giữa việc tác động vào cơ thể nạn nhân để chiếm đoạt bộ phận cơ thể với hành vi tác động vào nạn nhân để cố ý gây thương tích hoặc giết người bởi mục đích của hành vi này là căn cứ quan trọng để định tội danh.

Hậu quả hành vi chiếm đoạt được mô hay bộ phận cơ thể là yêu cầu bắt buộc khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội danh này. Bởi vậy đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi mua bán hoặc chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể phải được gắn bó chặt chẽ   với nhau thành một thể thống nhất.

Về trách nhiệm hình sự: Theo cấu thành cơ bản tại khoản 1 điều 157 Bộ luật hình sự, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Phạm tội tại khoản 2 điều 157 BLHS 2015 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Phạm tội tại khoản 3 điều 157 BLHS 2015 thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Quy định về tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người là một bước đi có giá trị từ thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhất là trong bối cảnh các hành vi mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể người diễn ra tràn lan và gây tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Quy định này nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, vừa có tác dụng hô trợ cho công tác đấu tranh truy quét loại tội phạm này trên thực tế khi chưa được hình sự hóa tại BLHS 1999 trước đây.

An Nguyên

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo