Từ vụ án quán “Xin Chào”: Nói đến tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Từ vụ án quán “Xin Chào”: Nói đến tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Hai vụ án ở Bình Chánh đang gây sự chú ý của dư luận. Câu hỏi đặt ra là liệu có sai phạm nào từ các cơ quan chức năng không? Và tội xâm phạm hoạt động tư pháp là gì?

Quán cà phê điểm tâm Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn.
Quán cà phê điểm tâm Xin Chào của ông Nguyễn Văn Tấn.

Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.

Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:

Như thông tin báo chí đã đăng tải, khi vụ việc quán Phở Xin Chào của ông Tấn tại huyện Bình Chánh còn chưa lắng xuống, thì ngay lập tức lại dậy sóng vì việc CA Bình Chánh khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉ về hành vi vi phạm quy định về nhà ở. Có rất nhiều sai phạm trong hoạt động điều tra, xác định chứng cứ, không khách quan, không minh bạch rõ ràng và tuân thủ đúng quy trình tố tụng ở cả hai vụ việc. Dư luận đang đặt câu hỏi liên quan đến việc có hay không những hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, truy cứu trách nhiệm hình sự người không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tức là những tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.

Các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp

Theo quy định tại Điều 292 Bộ luật hình sự về khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì: “Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Tại chương XXII Bộ luật hình sự 1999 về Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì có 23 tội phạm được xác định là xâm phạm hoạt động tư pháp. Cụ thể như sau:

Điều 292. Khái niệm tội xâm phạm hoạt động tư pháp

Điều 293. Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội

Điều 294. Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội

Điều 295. Tội ra bản án trái pháp luật

Điều 296. Tội ra quyết định trái pháp luật

Điều 297. Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật

Điều 298. Tội dùng nhục hình

Điều 299. Tội bức cung

Điều 300. Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án

Điều 301. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn

Điều 302. Tội tha trái pháp luật người đang bị giam, giữ

Điều 303. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật

Điều 304. Tội không chấp hành án

Điều 305. Tội không thi hành án

Điều 306. Tội cản trở việc thi hành án

Điều 307. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật

Điều 308. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu

Điều 309. Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật

Điều 310. Tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản

Điều 311. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử

Điều 312. Tội đánh tháo người bị giam, giữ, người đang bị dẫn giải, người đang bị xét xử

Điều 313. Tội che giấu tội phạm

Điều 314. Tội không tố giác tội phạm

Trong vụ án liên quan đến quán Phở Xin Chào và vụ án khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉ, có một số tội danh cần được chú ý để xem xét nếu phát hiện rõ căn cứ sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự với hai vụ án nêu trên, cụ thể là:

Điều 293 về Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ một năm đến  năm năm. Để chứng minh được điều này cần phải xác định rõ người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự phải biết rõ người mà mình đã ra quyết định khởi tố là không có tội. Trường hợp không chứng minh được điều này thì rất khó để xử lý về hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.

Điều 296 Bộ luật hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật: “Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Đây là tội phạm khi vụ án đã được khởi tố và đang trong quá trình giải quyết, nếu người có thẩm quyền ban hành những quyết định mà biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì sẽ bị xử lý. Trong vụ án này, không thể bỏ qua quyết định truy tố mà Viện kiểm sát nhân dân Bình Chánh đã ký  với ông Tấn hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử mà Tòa án nhân dân huyện này đã thông báo cũng trong vụ này.

Điều 300 Bộ luật hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án: “Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” Đây là hành vi vì những động cơ, mục đích cá nhân hoặc vì vụ lợi khiến cho những người có chức vụ quyền hạn trong điều tra, truy tố, xét xử cố tình làm sai lệch những tài liệu,hồ sơ, chứng cứ của vụ án. Để xử lý về hành vi này, cần phát hiện có sai phạm làm sai lệch hồ sơ của những vụ án này.

Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.

An Nguyên

Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo