THỎA THUẬN TRONG THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CÓ LÀM MẤT QUYỀN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN KHÔNG?
Hỏi:
X là người nợ tiền của tôi, đã bị Tòa án rằng phải trả tiền cho tôi, sau đó cơ quan thi hành án vào cuộc, nhưng X không tự nguyện trả tiền cho tôi nên bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Sau đó X có liên hệ với tôi thương lượng rằng X sẽ trả dần hằng tháng cho tôi, xin tôi đến chi cục thi hành án gỡ bỏ biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp này tôi và X có thể thỏa thuận lại nữa được không? Có rủi ro gì cho tôi hay không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hãng luật Giải Phóng.
Điều 5. Thỏa thuận thi hành án (Nghị định 62/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2020/NĐ-CP)
1. Trường hợp đương sự thỏa thuận trước khi yêu cầu thi hành án hoặc đã yêu cầu nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án thì thỏa thuận đó phải lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia thỏa thuận. Đương sự có nghĩa vụ tự thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận.
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận mà thời hiệu yêu cầu thi hành án vẫn còn thì bên có quyền được yêu cầu thi hành án đối với phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
2. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận đó theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp đương sự thỏa thuận đình chỉ thi hành án sau thời điểm tài sản đã được bán đấu giá thành hoặc đã bán cho đồng sở hữu hoặc người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án mà chưa giao được tài sản cho họ thì việc thỏa thuận phải được sự đồng ý của người trúng đấu giá, người mua tài sản hoặc người nhận tài sản.
Sau khi có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành.
4. Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận.
Như vậy giữa bạn và X vẫn còn có quyền thỏa thuận về việc thi hành án. Theo quy định nêu trên thì có 2 loại thỏa thuận và dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau:
– Khoản 2: Hai bên tự thỏa thuận về việc thi hành án, tức hai bên sẽ tự thỏa thuận về phương thức thi hành án, thời gian thi hành án,… Nếu các bên không tự nguyện thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ căn cứ vào nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành.
– Khoản 3: Hai bên thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án tiếp tục thi hành nữa. Tức các bên thỏa thuận không nhờ cơ quan thi hành án can thiệp vào chuyện này, lúc đó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với nội dung thỏa thuận. Đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ thi hành. Đây là phương án tồn tại rủi ro, nếu X không tiếp tục thi hành án thì bạn sẽ không thể nhờ cơ quan thi hành án hỗ trợ.
Lưu ý: Thỏa thuận giữa bạn và X cần được thực hiện trực tiếp tại trụ sở của cơ quan thi hành án và có sự chứng kiến của chấp hành viên được phân công giải quyết vụ việc.
ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN
Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!