CÓ CÁCH NÀO LẬP DI CHÚC CHO NGƯỜI BỊ TÂM THẦN KHÔNG?

CÓ CÁCH NÀO LẬP DI CHÚC CHO NGƯỜI BỊ TÂM THẦN KHÔNG?

Hỏi:

Gia đình tôi có 3 anh chị em. Các anh, chị đều đã được cha mẹ cho tài sản riêng, tôi là con út sống cùng với cha mẹ và cha mẹ có nói về già sẽ lập di chúc để lại tài sản cho tôi. Vài năm trước, cha tôi bị tai biến, dẫn đến liệt nửa người và đầu óc không còn minh mẫn. Theo tôi được biết thì ông sẽ không còn có thể lập di chúc được nữa, nhưng nếu mẹ tôi là người đại diện của ông thì có thể thay ông lập di chúc không? Hoặc mẹ tôi có thể thay cha tôi lập hợp đồng tặng cho tài sản cho tôi không? Vì các anh chị đã có tài sản riêng nên tôi không muốn tài sản bị chia theo pháp luật.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hãng luật Giải Phóng.

Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.

Mẹ bạn sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên cho cha bạn khi mẹ bạn đáp ứng được các điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau:

– Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

– Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

– Quản lý tài sản của người được giám hộ;

– Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền sau:

– Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

– Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

– Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Với tư cách là người giám hộ, mẹ bạn không có quyền thay ông lập di chúc cũng như lập hợp đồng tặng cho. Bởi lẽ, lập di chúc là một hành vi pháp lý phương đặc biệt, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, do vậy, mẹ bạn không thể đại diện cho cha bạn lập di chúc. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015 thì “người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác”. Vì thế, tài sản của cha bạn chỉ có thể được thừa kế theo pháp luật. Theo đó, tài sản của cha bạn sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Bạn vẫn có thể được nhận toàn bộ tài sản của cha bạn sau khi ông ấy chết nếu các đồng thừa kế khác có văn bản từ chối nhận di sản. Việc từ chối nhận di sản này có hiệu lực khi được lập thành văn bản, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép, ngoài ra việc từ chối nhận di sản này không nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Gia đình bạn nên tiến hành thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố cha bạn là người mất năng lực hành vi dân sự để người giám hộ sẽ thay ông thực hiện các giao dịch khác, phù hợp với lợi ích của ông, đồng thời bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp của ông.

Trên đây là thông tin chúng tôi gửi đến bạn.

 

 

 

 

 

 

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo