Chủ quán phở Lý Quốc Sư đối diện 8 năm tù
Hành vi sử dụng lao động trái pháp luật vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động và Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Chủ quán phở có thể phải đối diện mức án lên tới 8 năm tù.
Liên quan đến vụ hành hạ trẻ em ở quán phở Lý Quốc Sư đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi về quy định của pháp luật liên quan sự việc này.

Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này như sau:
Như thông tin báo chí đã đăng tải trong ngày 18.2, đoàn công tác liên ngành của phường phối hợp với Công an quận 2 đến kiểm tra về tình hình vệ sinh an toàn thực thẩm và sử dụng lao động với quán phở Lý Quốc Sư. Theo đó, quán phở Lý Quốc Sư có giấy phép kinh doanh, còn giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp nhưng đã hết hạn. Ngoài ra, tại quán có 5 em từ 15 – 17 tuổi làm việc, khi đến làm việc các em được chủ cơ sở thông báo bao ăn ở, quần áo, lương mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Toàn bộ các em đều không có giấy tờ tùy thân nên không có hợp đồng lao động, ngoài ra cũng không được nhận lương, qua lấy lời khai tại cơ quan ông an, em N.Đ.A khai nhận “Ở quán em sợ nhất là nhà chứa thịt bò đầy chuột. Mỗi lần bị kéo xuống đó là em bị đánh đập tơi bời. A. cũng cho biết trong suốt thời gian làm ở quán (từ tháng 11.2015 đến nay) đã bị đánh nhiều nên không nhớ được số lần bị đánh. A. chỉ nhớ em đã bị đánh bằng dây nịt và dây điện. Các em đã nhiều lần rủ nhau bỏ chạy nhưng có người phát hiện tri hô nên tất cả các em đều bị bắt lại.
Vi phạm nghiêm trọng quy định về sử dụng lao động trẻ em
“Điều 162. Sử dụng người lao động chưa thành niên
1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.
2. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.”
Ngoài ra, theo quy định tại các điều 163, 164, 165 Bộ luật lao động,chủ quán phở này còn vi phạm một loạt các quy định về sử dụng lao động trẻ em như: Buộc các em phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc nằm ngoài Danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên ban hành kèm theo Thông tư 10/2013/TT-BLĐTBXH, buộc các em làm việc trong môi trường kìm kẹp, ức chế, đánh đập ảnh hưởng xấu tới nhân cách, vi phạm nghiêm trọng thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên, không tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá, vi phạm một loạt điều cấm trong việc sử dụng người chưa thành niên…
Xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về lao động chưa thành niên căn cứ theo quy định tại điều 19Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP, mức xử phạt tối đa cho hành vi không giao kết hợp đồng là 15.000.000 đồng, tối đa 25.000.000 đồng vì Sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật lao động.
Có thể bị xử lý hình sự
Chủ quán và những người quản lý ở quán phở Lý Quốc Sư này còn có dấu hiệu của hành vi giữ người trái pháp luật.
Theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự: Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội đối với nhiều người và có tổ chức , thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra, cần làm rõ về hành vi đánh đập các em thường xuyên và đưa các em đi giám định tỉ lệ tổn hại về sức khỏe để làm căn cứ xử lý. Hành vi này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích căn cứ theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho trẻ em thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm hoặc tăng nặng hơn nếu mức độ thương tật nhiều.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Trần Lê An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện
ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN
Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!