Vụ Huỳnh Văn Nén: Hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm người làm oan?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bức cung; dùng nhục hình là 15 năm, trong vụ án Huỳnh Văn Nén ai là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Liên quan đến vụ đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén – “người tù thế kỷ”. Nhiều bạn đọc hỏi Vì Công Lý ai phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra án oan này?
Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này:
Như thông tin Tuổi trẻ đã đăng tải, lúc 9g10 ngày 28-11, đại tá Phạm Thật – phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận – đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén (53 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận). Lý do là bởi sau khi tiến hành điều tra thấy hành vi của bị can Huỳnh Văn Nén không cấu thành tội phạm giết người và cướp tài sản.
Trước đó vào tháng 10-2014, Viện KSND tối cao kháng nghị hủy án ông Huỳnh Văn Nén giết bà Lê Thị Bông. Nguyên nhân chính dẫn đến việc Viện KSND tối cao kháng nghị hủy án là do có đơn của Nguyễn Phúc Thành tố giác Nguyễn Thọ (ông Thành là bạn của Nguyễn Thọ) giết bà Bông chứ không phải ông Nén nhưng tình tiết này chưa được điều tra làm rõ. Kháng nghị còn cho rằng tòa án cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén chưa đủ căn cứ vững chắc, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tình tiết đáng chú ý nhất trong bản kết luận điều tra lại là trong quá trình điều tra lại, ông Nén khai bị điều tra viên Cao Văn Hùng mớm cung, nhục hình mới khai giết bà Lê Thị Bông chứ sự thật ông Nén không giết bà Bông và không biết gì về vụ án.
- Ông Nén (áo sọc) và người thân trong buổi giải lao tại phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án vườn điều
- . Ảnh Tiền Phong
Trách nhiệm để xảy ra án oan?
Tố tụng hình sự là một quá trình trải qua nhiều giai đoạn, việc TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt chung thân ông Huỳnh Văn Nén trong vụ án giết bà Lê Thị Bông được xác định là chưa đủ căn cứ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, cơ quan sau cùng xử lý vụ việc trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén sẽ là nơi chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể là TAND tỉnh Bình Thuận.
Theo mô tả trong bản kháng nghị của VKSND Tối cao, nhiều khả năng các thành viên của Hội đồng xét xử đã tuyên bản án sơ thẩm đối với ông Huỳnh Văn Nén có dấu hiệu phạm tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 285 Bộ Luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009). Mức cao nhất của khung hình phạt theo quy định tại khoản 2 điều 285 BLHS đối với tội danh này là 12 năm tù, căn cứ vào phân loại tội phạm tại khoản 3 điều 8 BLHS thì nếu xác định hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì đây là loại tội rất nghiêm trọng.
Tuy vậy, bởi bản án được tuyên vào ngày 31-8-2000, tính đến thời điểm đình chỉ điều tra đã hơn 15 năm nên căn cứ vào điểm c khoản 2 điều 23 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với tội rất nghiêm trọng là 15 năm kể từ thời điểm phạm tội, như vậy đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nếu như các thành viên của HĐXX đã tuyên án với ông Nén thực hiện hành vi này.
Một điểm đáng lưu ý là ông Nén có khai bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra, nên trách nhiệm hình sự có thể đặt ra với những điều tra viên đã từng tham gia hỏi cung ông Huỳnh Văn Nén.
Xem xét truy cứu hành vi bức cung, dùng nhục hình?
Cần sớm tiến hành điều tra, xác minh xem có hay không việc ông Huỳnh Văn Nén bị ép cung, bức cung, dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai, bởi có rất nhiều mâu thuẫn trong bản kết luận điều tra trước đó.
Điều tra viên tham gia vào quá trình hỏi cung, lấy lời khai ông Huỳnh Văn Nén có thể đã thực hiện những hành vi của tội dùng nhục hình theo quy định tại điều 298 BLHS, mức cao nhất của khung hình phạt là đến 12 năm tù; Tội bức cung theo quy định tại điều 299 BLHS với mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù; Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo quy định tại điều 300 BLHS với mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù.
Như vậy cả 3 tội danh nêu trên, mức cao nhất của khung hình phạt lần lượt là 12 và 15 năm tù, căn cứ như phân tích ở trên đều thuộc loại tội rất nghiêm trọng, và nếu có làm sáng rõ được hành vi thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này cũng đã kết thúc bởi đã hết 15 năm kể từ thời điểm họ thực hiện hành vi (nếu có).
Như vậy sẽ không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự với những đối tượng này.
Ngoài ra, căn cứ vào khoản 3 Điều 23 BLHS: “3. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.”.
Như vậy cần xem xét nhân thân các chủ thể liên quan để xác địch có hay không phạm một tội mới theo quy định tại điều này để tính lại thời hiệu cho phù hợp.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Ngày 17/5/1998, ông Huỳnh Văn Nén (35 tuổi) bị bắt, khởi tố điều tra về 2 tội danh Giết người và Cướp tài sản. Khi đang bị công an bắt giữ, ông Nén khai ra vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (xảy ra ngày 18/3/1993, cũng tại huyện Hàm Tân).
Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận xử sơ thẩm, tuyên phạt ông Nén tù chung thân về tội Giết người, 3 năm tội Cướp tài sản, 2 năm về tội Cố ý hủy hoại tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân. Ông Nén nộp đơn kháng cáo kêu oan quá thời hạn, nên không có phiên xét xử phúc thẩm.
Năm 2005, sau 12 năm điều tra, vụ án giết bà Dương Thị Mỹ được xác định là oan sai, 9 người trong gia đình ông Nén được bồi thường. Riêng ông Huỳnh Văn Nén vẫn phải thụ án chung thân do bị kết tội giết bà Lê Thị Bông.
Trong thời gian này, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo tại trại giam Sông Cái (Ninh Thuận) đã làm đơn tố giác hai người bạn của mình (ngụ cùng địa phương, nghiện ma túy và thường xuyên trộm cắp tài sản) chính là hung thủ giết bà Bông. Từ đó, người cha già của ông Nén ròng rã kêu oan cho con.
Tháng 10/2014, VKSND Tối cao kháng nghị hủy án vụ ông Huỳnh Văn Nén giết bà Lê Thị Bông. Nguyên nhân là có người tố giác kẻ giết bà Bông không phải ông Nén. Kháng nghị cho rằng, tòa kết án ông Huỳnh Văn Nén chưa đủ căn cứ vững chắc, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Sau đó, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án, giao Công an tỉnh Bình Thuận thụ lý điều tra lại từ đầu.
Ngày 22/10, VKSND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Huỳnh Văn Nén. Lý do được đưa ra là bị can này đang bị bệnh, không cần thiết tiếp tục giam giữ nên cơ quan điều tra có văn bản đề nghị cho gia đình bảo lãnh. Ông Huỳnh Văn Nén năm nay 53 tuổi, ở tù đến năm thứ 18.
Ngày 28/11, đại tá Phạm Thật – Phó giám đốc Công an tỉnh BìnhThuận đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Huỳnh Văn Nén. Theo vị đại tá, sau khi tiến hành điều tra lại, cơ quan chức năng thấy hành vi của bị can Huỳnh Văn Nén không cấu thành tội phạm Giết người và Cướp tài sản.
Trần Lê An Nguyên
Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện
ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN
Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!