100 thanh niên gốc Phi bị tạm giữ có thể bị trục xuất

100 thanh niên gốc Phi bị tạm giữ có thể bị trục xuất

Liên quan đến vụ việc CA TP.HCM tạm giữ 100 thanh niên gốc Phi cư trú bất hợp pháp ở TP HCM. Nhiều bạn đọc hỏi Vì Công Lý số thanh niên này có bị trục xuất khỏi Việt Nam?

Lực lượng cảnh sát bao vây chung cư kiểm tra hành chính người da màu. Ảnh: thanhnien.vn
Lực lượng cảnh sát bao vây chung cư kiểm tra hành chính người da màu. Ảnh: thanhnien.vn

Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này:

Như thông tin báo chí đã đăng tải, vào tối 28/12, Công an TP HCM và Công an quận Gò Vấp bất ngờ ập vào một số cửa hàng, quán ăn tại tầng trệt Lô A, chung cư Gia Khang (đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp, TP HCM) để kiểm tra những người gốc Phi đang cư trú, làm việc tại đây. Sau khi hoàn tất việc kiểm tra giấy tờ, hộ chiếu, gần 100 người bị đưa về trụ sở tạm giữ vì không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.

Trước hết cần kiểm tra kỹ càng toàn bộ giấy tờ tùy thân, quốc tịch và xác định chính xác con đường nhập cảnh, thời gian nhập cảnh của những đối tượng này vào Việt Nam như thế nào. Đây là một vụ việc có số lượng đối tượng lớn, cần phải xác minh thật kỹ càng đối với từng trường hợp, nếu mức độ không nghiêm trọng có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội , bên cạnh đó có thể áp dụng hình phạt trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Nếu qua điều tra phát hiện được hành vi vi phạm của đối tượng không phải lần đầu mà đã từng bị xử phạt hành chính về chính hành vi đó thì có thể xử lý hình sự về hành vi nhập cảnh trái phép hoặc tội ở lại Việt Nam trái phép theo quy định tại Điều 274 Bộ luật Hình sự 1999.

Những người châu Phi đang tụ tập trước cửa một nhà hàng của họ
Những người châu Phi đang tụ tập trước cửa một nhà hàng của họ Ảnh : Thanhnien.vn

Xử phạt vi phạm hành chính

Hành vi của những đối tượng không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp nêu trên đã vi phạm quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Được xác định là hành vi nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý hành chính tương ứng với hành vi mà các đối tượng này thực hiện và vi phạm. Theo quy định tại điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại đối với người nước ngoài thì những đối tượng trên có thể bị xử phạt như sau:

Theo khoản 1 điều 17 Nghị định này: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu.

Theo khoản 2 điều 17 Nghị định này: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Không thông báo khi mất hoặc hư hỏng giấy tờ, Tẩy, xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch hình thức, nội dung giấy tờ, Khai không đúng sự thật để được cấp hộ chiếu; người nước ngoài đi vào khu vực cấm không có giấy phép…;  không xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu khi nhà chức trách Việt Nam yêu cầu; không chấp hành các yêu cầu khác của nhà chức trách Việt Nam về kiểm tra người, hành lý…

Theo khoản 3 điều 17 Nghị định này: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây : Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; sử dụng giấy tờ của người khác để nhập cảnh; người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định

Theo khoản 6 điều 17 Nghị định này phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu, thị thực, thẻ tạm trú, thẻ thường trú; Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, không phải ngẫu nhiên là hàng trăm người nước ngoài có thể vào Việt Nam nếu không có sự giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nào khác. Bởi vậy cần mở rộng điều tra để xác định những người có hành vi giúp đỡ, việc xử phạt đối với những đối tượng này cũng căn cứ theo điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất cho hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép lên đến 40.000.000 đồng.

Công an cũng tạm giữ hàng chục xe gắn máy của những người da đen này
Công an cũng tạm giữ hàng chục xe gắn máy của những người da đen này Ảnh: thanhnien.vn

Có thể áp dụng biện pháp trục xuất

Theo quy định tại Điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính thì trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền trục xuất cá nhân nước ngoài vi phạm. Thủ tục trục xuất được quy định tại điều 84 Luật này, theo đó quyết định trục xuất phải được thông báo trước khi thi hành cho Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú trước khi đến Việt Nam. Trong thời gian chờ trục xuất, nếu có căn cứ cho thấy người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có thể áp dụng các biện pháp sau:Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý;

Chỉ định chỗ ở của người bị quản lý;Tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân khác thay hộ chiếu. Việc trục xuất người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 112/2013/NĐ-CP.

Cần xem xét về cả các dấu hiệu xử lý hình sự

Theo quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự về tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại Việt Nam trái phép: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.” Như vậy nếu có căn cứ thông qua việc điều tra xác minh nhân thân, lý lịch của những đối tượng này cho thấy có đối tượng đã từng bị xử lý hành chính như đã phân tích ở trên mà tiếp tục thực hiện hành vi nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép thì có thể xử lý hình sự với đối tượng này, mức cao nhất của khung hình phạt cho tội danh có thể lên tới 2 năm tù.

Ngoài ra, quá trình điều tra nếu có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật khác như tổ chức mại dâm, trộm cắp, cướp giật thì sẽ khởi tố, bắt giam và xét xử theo từng hành vi tương ứng.

Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.

Trần Lê An Nguyên

Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo