Luật sư bảo vệ công lý và lẽ phải là bảo vệ quốc gia
Luật sư không thể để an ninh quốc gia bị đe dọa. Bởi đó là suy nghĩ, trách nhiệm và hành động của một công dân, bởi bảo vệ công lý và lẽ phải đã là bảo vệ quốc gia. Buộc luật sư phải tố giác thân chủ, thì công lý sẽ không được thực thi.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Giới luật sư đã và đang tiếp tục có nhiều ý kiến phản ứng việc đưa quy định “buộc luật sư phải tố giác thân chủ” vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung. Bởi, điều đó cho thấy, quy định này có thể xâm hại trực tiếp đến quyền hành nghề của luật sư và thiên chức xã hội của họ.
Khoản 3 điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung quy định: “Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
Để phân tích quy định này, trước hết cần phải hiểu khái niệm “Không tố giác tội phạm” mà dự thảo này quy định là như thế nào? Khoản 1 điều 19 quy định: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 389 của Bộ luật này”.
Điều luật này chỉ rõ có 3 trường hợp phải tố giác tội phạm: một là tội phạm đang được chuẩn bị, hai là tội phạm đang được thực hiện và ba là tội phạm đã được thực hiện.
Với trường hợp tội phạm đang được chuẩn bị và đang được thực hiện theo tôi là cần phải loại trừ, vì không ai đi thuê luật sư trong giai đoạn này cả và nếu có thì luật sư cũng phải từ chối vì nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp không cho phép và đồng thời phải tố giác tội phạm với tư cách công dân. Như vậy, vấn đề còn lại phải đặt ra là luật sư có nghĩa vụ tố giác tội phạm ở giai đoạn tội phạm đã thực hiện hay không?
Trong hoạt động hành nghề luật sư, cũng cần tách ra 2 trường hợp để phân biệt, đó là trong và ngoài mối quan hệ với thân chủ.
Trường hợp thứ nhất, khi luật sư không ở trong mối quan hệ với thân chủ, luật sư là một công dân, nên phải có nghĩa vụ của một công dân, trong đó có nghĩa vụ tố giác tội phạm, dù tội phạm đó đang trong giai đoạn nào. Luật sư không thể dửng dưng nhìn nhà hàng xóm bị kẻ trộm cạy cửa, luật sư không thể im lặng khi nhìn thấy bọn côn đồ cầm dao truy sát người khác, luật sư càng không thể để an ninh quốc gia bị đe dọa. Bởi đơn giản, đó là suy nghĩ, trách nhiệm và hành động của một công dân, bởi bảo vệ công lý và lẽ phải đã là bảo vệ quốc gia. Buộc luật sư phải tố giác thân chủ, thì công lý sẽ không được thực thi.
Vì vậy trong trường hợp này, nếu chứng minh luật sư có hành vi không tố giác tội phạm, luật sư vẫn bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự những công dân bình thường khác.
Trường hợp thứ hai, khi luật sư đặt mình trong mối quan hệ thân chủ bằng một giao dịch pháp lý, và như đã phân tích mối quan hệ này chỉ phát sinh trong giai đoạn tội phạm đã hoàn thành. Theo đó, luật sư buộc phải tuân thủ hành nghề theo pháp luật và các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp mà tổ chức đặt ra.
Luật sư khi hành nghề chịu sự điều chỉnh trực tiếp bởi Luật luật sư và các quy định của pháp luật liên quan. Phạm vi hành nghề được quy định tại điều 22 Luật luật sư, trong đó có 2 hoạt động chính đó là tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật.
Nếu “buộc luật sư phải tố giác thân chủ”, luật sư sẽ phải chịu những rủi ro nghề nghiệp. Sinh mạng pháp lý của luật sư sẽ nguy hiểm hơn bao giờ hết, quy định này khác gì một cái dây thòng lọng luôn rình rập để “treo” luật sư lên.
Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, điển hình là hoạt động tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp, nếu một ngày nào đó lãnh đạo của doanh nghiệp đó bị khởi tố, thì luật sư khó tránh khỏi khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm, bởi hoạt động của doanh nghiệp này luôn bảo đảm pháp lý bằng sự tư vấn của luật sư.
Với lĩnh vực tố tụng, điển hình là hình sự, ví dụ rõ nét nhất mà luật sư có thể bị khởi tố bất cứ lúc nào và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của cơ quan điều tra. Đó là, khi đang bào chữa cho một bị can tại giai đoạn điều tra về một tội, nhưng quá trình điều tra thì bị can này bị khởi tố bổ sung về một tội khác. Với hành vi mới bị khởi tố, luật sư khó thoát khỏi sự liên quan. Theo đó, khi đảm nhận vụ án, để không bị truy cứu trách nhiệm, luật sư buộc phải tố giác hết mọi hành vi của thân chủ cho cơ quan điều tra, điều đó là có lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng trái với thiên chức hành nghề, luật sư không thể làm xấu đi tình trạng của thân chủ. Bởi đơn giản, sứ mạng của luật sư là gỡ tội.
Cả 2 vídụ nói trên đều có chung một kết quả, sẽ không ai dám thuê luật sư nữa và tương tự, có thuê luật sư cũng không dám nhận, vì không ai muốn tự đeo dây thòng lọng vào cổ của mình. Điều đó ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường kinh doanh, đến các các số phận pháp lý trong các vụ án hình sự. Ai sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động trong môi trường an toàn pháp lý, ai sẽ giúp bị can, bị cáo trong các vụ án có dấu hiệu oan sai. Ai sẽ lực lượng phản biện, để thúc đẩy các chủ thể trong cơ quan hành pháp làm việc tốt hơn.
Vậy cuối cùng mục đích của quy định này là gì? có phải muốn luật sư thực hiện nghĩa vụ của một công dân, điều đó như đã phân tích, luật sư không nằm ngoài nghĩa vụ đó, nên có thêm một quy định là hết sức không cần thiết. Chưa nói quy định này nếu được ban hành sẽ dẫn đến xung đột với một loạt quy định luật khác, mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã có kiến nghị với Quốc hội.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Nguồn: lsvn.vn
ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN
Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!