CSGT ôm ghì chân tài xế có sai quy trình tác nghiệp?

CSGT ôm ghì chân tài xế có sai quy trình tác nghiệp?

 

Liên quan đến vụ việc clip CSGT ôm ghì chân tài xế vừa qua đang gây xôn xao dư luận. Nhiều bạn đọc gửi thắc mắc đến Vì Công Lý hỏi CSGT này có sai quy trình tác nghiệp?

img6079_xpxj
Thượng úy Thoại ôm ghì chân tài xế Toàn. Ảnh cắt từ clip.

Ban biên tập Vì Công Lý xin chuyển lời ý kiến của luật sư về vấn đề này:

Theo báo Pháp luật TP.HCM, sáng 1-12, Cơ quan CSĐT Công an quận 9, TP.HCM tiến hành lấy lời khai, làm việc với tài xế Nguyễn Bảo Toàn (37 tuổi, quê Bình Định) và Thượng úy Võ Văn Thoại (cán bộ đội CSGT Rạch Chiếc, phòng PC67, Công an TP.HCM) để điều tra về sự việc trên. Sau quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tài xế Toàn đã thừa nhận hành vi vi phạm luật giao thông, không chấp hành kiểm tra, không xuất trình giấy tờ. Khi CSGT bám vào cabin xe, tài xế cố tình lái xe bỏ chạy, đảo tay lái, lạng lách mục đích cho CSGT rơi khỏi xe, sau đó đạp CSGT ngã từ cabin xuống đường.

Có phạm tội chống người thi hành công vụ?

Qua nhận định ban đầu có thể thấy hành vi mà tài xế Nguyễn Bảo Toàn đã thực hiện có dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ, theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

 

Khi xảy ra giằng co, người CSGT đã níu chân tài xế Toàn để ngăn cản anh này bỏ trốn. Sau 1 hồi giãy giụa, thì tài xế này đã có hành vi cởi áo và rút chân ra khỏi tay CSGT rồi bỏ đi. Truy úy Thoại đã leo lên xe tải ngồi rồi yêu cầu người dân gọi điện cho công an phường đến can thiệp. Tình tiết đáng chú ý theo lời kể của trung úy Thoại là tài xế này lấy điện thoại của anh nên anh mới phải có sự đeo bám một cách quyết liệt như vậy nhằm không để tài xế này bỏ đi. Bên cạnh đó, việc tài xế Toàn đảo tay lái, lạng lách mục đích cho CSGT rơi khỏi xe, rồi còn dùng chân đạp trung úy CSGT ngã từ cabin xuống đường là một hành vi sử dụng vũ lực bên cạnh dùng các thủ đoạn khác cản trở hoạt động công vụ của CSGT. Bởi vậy hoàn toàn có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 257 Bộ luật hình sự.

 

vu-tai-xe-dap-csgt-xuat-hien-clip-csgt-om-chan-tai-xe
Công an quận 9 đang tiếp tục lấy lời khai tài xế Nguyễn Bảo Toàn để làm rõ vụ việc. Ảnh NLĐ

Trường hợp không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ thì việc không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông mà tài xế đã thực hiện còn vi phạm quy định tại điểm e khoản 4 điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể:

 

“4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;”

 

Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác theo quy định tại điểm e khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Người thực hiện hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường tổn hại về sức khỏe và tinh thần cho người bị hại về hành vi nêu trên.

vu-tai-xe-dap-csgt-xuat-hien-clip-csgt-om-chan-tai-xe.PNG
Ảnh cắt từ clip

Cảnh sát giao thông có sai quy trình?


Theo lời khai của tài xế thì anh này không vi phạm bất cứ quy định giao thông đường bộ nào và hoàn toàn đầy đủ giấy tờ, trong khi phía CSGT thì phát hiện xe tải mang BKS: 77C – 009.41 do tài xế Toàn điều khiển chạy sai làn đường nên mới yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Tình tiết này cần phải xác minh lại bởi việc phát hiện lỗi vi phạm giao thông đường bộ đối với người điều khiển là một trong những căn cứ quan trọng để xử phạt hoặc tiến hành kiểm tra giấy tờ của người điều khiển phương tiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính Phủ. Người vi phạm có quyền yêu cầu được xem bằng chứng về việc vi phạm, và nếu phía CSGT không thể đưa ra được bằng chứng thì rõ ràng trong vụ việc này, nguyên nhân xuất phát một phần từ lỗi của người CSGT.

 

Ngoài ra theo lời khai của tài xế, CSGT này có hành động tát người vi phạm, đây là một hành động dùng vũ lực trong khi thực hiện nhiệm vụ mà không phải trong tình thế cấp thiết. Chưa có bằng chứng cho việc này mà mới chỉ qua lời khai của các bên nên chưa đưa ra được kết luận. Bởi vậy cần lảm rõ tình tiết này, nếu nó xảy ra trên thực tế thì trung úy CSGT đã vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2014 về nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân. Ngoài ra còn có khả năng vi phạm quy định tại điểm e khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác.

 

Đặc biệt trong trường hợp trên, theo lời khai của tài xế thì CSGT đã rút chìa khóa xe của anh, theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 và khoản 3 điều 5 thông tư 65/2012/TT-BCA về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát đường bộ của CSGT thì không có quy định nào cho phép CSGT thực hiện hành vi này. Khoản 3 điều 3 Thông tư 65/2012/TT-BCA cũng quy định: CSGT khi tiếp xúc với nhân dân phải có thái độ kính trọng, lễ phép, tận tụy, đúng mực. Bởi vậy cần làm rõ những tình tiết trên để xác định chính xác lỗi của các bên trong sự việc nhằm xác định trách nhiệm thật chính xác.

 

Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.

 

Trần Lê An Nguyên

Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện trên Vì Cộng Lý 

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo