Chồng đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà có phạm luật?

Chồng đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà có phạm luật?

các hành vi của bố bạn như đánh đập, chửi mắng, đuổi vợ con ra khỏi nhà được xác định là các hành vi bạo lực gia đình.

Bố của em tính hay rượu chè, mỗi lần uống say ông lại chửi mắng mẹ con em, và đuổi mẹ con em ra khỏi nhà. Hiện mẹ con em đang sống trên gia đình ông bà ngoại. Bố em có mua cho em một chiếc xe gắn máy, xe đứng tên em (không có hợp đồng cho, tặng hay có điều kiện kèm theo).

Anh/chị cho em hỏi hành vi đánh, mắng, đuổi vợ con ra khỏi nhà như trên có được coi là bạo lực gia đình không? Bố em có quyền đuổi vợ con ra khỏi nhà và lấy xe của em không? Giờ bố em thay khóa cổng, khóa cửa nhà, mẹ con em muốn về nhà thì có cần sự can thiệp của cơ quan Công an phường không? Và bố em lại chửi mắng, đuổi mẹ con em ra khỏi nhà thì em phải làm thế nào?

Nếu mẹ em muốn ly dị mà bố em không chịu thì tòa sẽ giải quyết như thế nào? Bố mẹ em có mua đất, xây nhà cấp bốn (nhà và đất là do bố me em mua sau khi kết hôn, sổ đỏ đứng tên bố em), em có một em trai ruột đã lập gia đình và sinh được một cháu trai. Như vậy, nếu bố mẹ ly dị, số tài sàn trên sẽ được chia như thế nào?

Chồng đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà có phạm luật?
Chồng đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà có phạm luật?

Dưới đây là nội dung tư vấn của luật sư:

Chào bạn!

Đối với vướng mắc của bạn chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

Theo điểm a, điểm b, điểm i khoản 1 điều 2 luật phòng chống bạo lực gia đình 2007, các hành vi của bố bạn như đánh đập, chửi mắng, đuổi vợ con ra khỏi nhà được xác định là các hành vi bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, mặc dù chiếc xe là do bố bạn mua cho bạn, nhưng chiếc xe là một tài sản có đăng ký và hiện thuộc quyền sở hữu của bạn do đó bố bạn không có quyền lấy lại xe của bạn. Mặt khác hành vi chiếm đoạt xe của bạn cũng được xem là bạo lực gia đình.

Do đó, để giải quyết vấn đề của mình, bạn và mẹ bạn có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi gia đình bạn sinh sống để được can thiệp và bảo vệ.

Trường hợp sau khi được chính quyền địa phương can thiệp hòa giải mà tình trạng nêu trên vẫn tiếp diễn khiến cho đời sống hôn nhân đi vào bế tắc, thì các chứng cứ về việc bố bạn có hành vi bạo lực gia đình chẳng hạn như quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên bản hòa giải tại địa phương,… là căn cứ để tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên (khoản 1 điều 56 luật hôn nhân và gia đình).

Về vấn đề phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Do tài sản gồm nhà đất nói trên là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, do đó nếu bố bạn không chứng minh được tài sản nói trên là tài sản riêng của bố bạn (được tặng cho, thừa kế riêng, có được từ nguồn tài sản riêng, hoặc có thỏa thuận giữa bố và mẹ bạn đây là tài sản riêng) thì dù tài sản chỉ đứng tên một mình bố bạn nhưng vẫn được xác định là tài sản chung của vợ chồng.  do đó theo nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn tại khoản 2 điều 59 luật hôn nhân gia đình, giá trị nhà đất nói trên được chia đôi, có tính đến các yếu tố (hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.).

Như đã nói ở trên, đây là tài sản chung của bố mẹ bạn chứ không phải là tài sản đồng sở hữu của cả gia đình. Cho nên tài sản này khi ly hôn chỉ chia cho bố mẹ bạn chứ không buộc phải phân chia cho các con. Trường hợp bố mẹ bạn có mong muốn thì có thể thỏa thuận tặng cho các con tài sản chung trước khi ly hôn hoặc tài sản riêng của mỗi người sau khi phân chia.

Ngoài ra cũng xin thông tin thêm, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ (điều 57 nghị định 167/2013/NĐ-CP); Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (khoản 1, điểm a khoản 3 điều 51 nghị định 167/2013/NĐ-CP).

Mong rằng nội dung tư vấn có thể giải đáp phần nào vướng mắc của bạn.

Nếu cần tư vấn thêm vui lòng gọi 1900 6665 để gặp luật sư hoặc truy cập mục hỏi đáp pháp luật để tìm hiểu thêm.

Trần Lê An Nguyên

Nguồn: Chuyên mục tư vấn pháp luật miễn phí do hãng luật Giải Phóng thực hiện

ĐẶT CÂU HỎI CỦA BẠN

Mọi câu hỏi xin gửi đến email: [email protected]. Nếu cần trả lời khẩn cấp, vui lòng gọi tổng đài tư vấn 1900 6665. Xin cảm ơn!

Contact Me on Zalo